Thăng hạng Chỉ số PCI: Kết quả từ nỗ lực cải cách

22/10/2018 - 01:24
106

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố, Tuyên Quang tăng 6 bậc, từ vị trí 45 năm 2016 lên vị trí 39 năm 2017. Kết quả này không bất ngờ, bởi cộng đồng doanh nghiệp đều nhìn nhận và thấy được sự cố gắng nhiều năm của tỉnh trong quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.

 

Tập đoàn Dệt may Việt Nam đầu tư xây dựng Nhà máy May Tuyên Quang tại Cụm công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương) tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Ảnh: Cao Huy

Dư địa cải cách

Từ vị trí cuối cùng năm 2013, mỗi năm, Tuyên Quang nỗ lực từng ngày với sự vào cuộc quyết liệt của những người đứng đầu tỉnh, các sở ngành, địa phương và liên tục thăng hạng.

Một trong những điểm sáng trong công cuộc cải cách, quyết tâm thăng hạng của tỉnh là sự ra đời và hoạt động của Chương trình Cà phê doanh nhân. Năm nay là năm thứ 5 Chương trình Cà phê doanh nhân được tỉnh tổ chức. Tại tất cả các cuộc gặp mặt này, đều có sự đồng hành của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, địa phương. Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh, Cà phê doanh nhân không nâng được vị trí xếp hạng PCI của tỉnh nhưng đã đem lại sự gần gũi, mối quan hệ hết sức thân thiện giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với doanh nghiệp. Những vướng mắc của các doanh nghiệp được giải quyết nhanh chóng, thậm chí có những việc chưa được giải quyết ở cơ quan thì ngay tại Cà phê doanh nhân có thể giải quyết nhờ có sự chia sẻ hiểu biết lẫn nhau. Đến thời điểm này, chương trình không chỉ giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp mà còn giúp các đồng chí lãnh đạo tỉnh cùng doanh nghiệp bàn chiến lược phát triển. Sự lan tỏa của Cà phê doanh nhân đã một phần làm thay đổi tư duy giải quyết thủ tục hành chính theo hướng phục vụ doanh nghiệp. 

Tư duy tìm kiếm nhà đầu tư cũng đã có sự thay đổi, khi lãnh đạo tỉnh trực tiếp gặp gỡ, làm việc với các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực kinh tế, giới thiệu các tiềm năng, thế mạnh của địa phương theo đúng tinh thần “chủ động mang thế mạnh của mình đến với các doanh nghiệp”, thay vì ngồi chờ doanh nghiệp đến tìm hiểu như trước đây. 


Một chương trình gặp gỡ, đối thoại các doanh nghiệp
do Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh tổ chức tháng 3-2018.

Cùng với tỉnh thực hiện PCI, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cũng tổ chức đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DCI). Kết quả mỗi năm công khai để các huyện, thành phố, các sở, ngành có thể so sánh với nhau, buộc phải thay đổi cách làm, cách tiếp cận doanh nghiệp, cách thu hút đầu tư sao cho hiệu quả nhất. Từ đó đã tạo bước chuyển đáng kể trong mỗi cơ quan, đơn vị, góp phần tích cực làm thay đổi công tác điều hành, hoạt động của các đơn vị, tạo sự chuyển biến rõ rệt theo phương châm hướng tới doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh, tạo ra một môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch. Như vậy, sự cạnh tranh ở cấp sở, ngành, địa phương tiếp nối và thúc đẩy mạnh mẽ cải cách. Sự chuyển biến thực sự trong các cơ quan chính quyền cấp cơ sở đang diễn ra. Chính quyền đang ngày càng coi trọng doanh nghiệp như một đối tác, một khách hàng. Kể cả những cán bộ, công chức muốn hành doanh nghiệp cũng phải dè chừng hơn vì quyền năng giám sát của doanh nghiệp. Điều này cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải có trách nhiệm hơn. 

Năm nay, trong các chỉ số thành phần, nhiều chỉ số có sự tăng điểm vượt bậc so với năm 2016. Như Chỉ số gia nhập thị trường đạt 8,29 điểm; chỉ số tiếp cận đất đai đạt 6,06 điểm; chỉ số tính minh bạch đạt 6,59 điểm; chi phí thời gian 5,79 điểm; Tính năng động của chính quyền 5,1 điểm; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp 6,13 điểm; đào tạo lao động 6,72 điểm; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự 5,95 điểm... Hết quý I-2018, trên địa bàn tỉnh đã cấp chứng nhận đầu tư cho 7 dự án, nâng tổng số dự án được cấp chứng nhận đầu tư trên địa bàn tỉnh lên 231 dự án, với tổng vốn gần 30,9 nghìn tỷ đồng. Đây cũng chính là những tín hiệu cho thấy tỉnh ta đang dần trở thành một trong những địa phương có môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư. 


Nhà máy chế biến gỗ thanh xuất khẩu do Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang
đầu tư có công suất 20.000 m3/năm. 

Điểm đầu tư hấp dẫn, an toàn  

Là tỉnh không có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế, tỉnh ta đã đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh. Để mở được cánh cửa khó khăn này, tỉnh đã xác định tập trung vào các “chìa khóa” và tháo gỡ nhiều nút thắt. Trong đó, tập trung vào các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong đầu tư mở rộng sản xuất, đăng ký thương hiệu để tạo nên những sản phẩm cạnh tranh, có chất lượng cao; công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quỹ đất chưa sử dụng nhằm minh bạch hóa việc tiếp cận nguồn lực đất đai, mặt bằng sản xuất, đảm bảo cơ sở cho việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, hỗ trợ khảo sát địa điểm.

Cải cách hành chính được xác định là khâu đột phá nhằm đảm bảo phát triển sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi trong việc giải quyết công việc của Nhà nước với các tổ chức và công dân. Đến nay, 100% cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đã thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông. Trong đó, có 3 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh đã triển khai ứng dụng phần mềm “một cửa điện tử” là Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; 2 đơn vị cấp huyện có Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại; 2 Trung tâm hành chính công cấp huyện; 6 đơn vị hành chính cấp xã của huyện Hàm Yên được trang bị máy tra cứu thủ tục hành chính, máy lấy số điện tử tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Tỷ lệ hồ sơ, thủ tục hành chính được giải quyết trước hạn và đúng hạn tại cơ quan hành chính Nhà nước các cấp đạt 99%. Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh đứng ở vị trí 22/63 tỉnh, thành phố cả nước. Đặc biệt, đầu năm 2017, tỉnh đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư lớn nhất từ trước tới nay, là “cú huých” lớn trong công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh.


Công trình cầu và đường dẫn cầu Bình Ca đang dần hoàn thiện,
tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư.

“Nút thắt” hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông được tỉnh quan tâm tháo gỡ. Việc kết nối đồng bộ từ tỉnh lộ, quốc lộ, đường cao tốc đã và đang tạo sức hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với tỉnh. Hiện tỉnh Tuyên Quang đã thông qua danh mục các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), trong đó có 3 dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao, gồm: Công trình đường Lý Thái Tổ, TP Tuyên Quang, Khu liên hợp thể thao tỉnh giai đoạn 1, đường trục phát triển đô thị từ TP Tuyên Quang đi trung tâm huyện Yên Sơn. 1 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao là đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; huy động nguồn lực, triển khai thi công các công trình cầu Tình Húc, 2 tuyến đường dọc 2 bờ sông Lô và các công trình khác. Tỉnh hoàn thiện Quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội và các quy hoạch khác tạo nền tảng cho việc thu hút đầu tư vào tỉnh. Tỉnh cũng chủ động tích cực trong công tác triển khai các dự án theo hình thức đối tác công tư nhằm triển khai có hiệu quả những dự án trọng điểm. 

Có thể nói, sự nỗ lực của chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân được khẳng định rõ ràng hơn qua kết quả PCI toàn quốc. Đây chính là cơ sở để tạo thêm niềm tin cho doanh nghiệp và nhà đầu tư vào môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh. Bởi thế, chỉ trong khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều nhà đầu tư là các tập đoàn lớn trong và ngoài nước đầu tư vào tỉnh với các dự án làm thay đổi diện mạo của tỉnh. Điển hình Tập đoàn Vingroup đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại, nhà phố thương mại (Shop-house) Vincom Tuyên Quang và Dự án Vinpearl Tuyên Quang; Tập đoàn khách sạn Mường Thanh xây dựng Khách sạn Mường Thanh Grand Tuyên Quang với tiêu chuẩn 4 sao; Tập đoàn Dabaco đầu tư thực hiện dự án tổ hợp sản xuất giống gia súc, gia cầm; Công ty cổ phần Woodsland đầu tư thực hiện Dự án cụm công nghiệp chế biến gỗ Tuyên Quang... Ngoài ra, Tập đoàn FLC đến khảo sát môi trường đầu tư để đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí; Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường nghiên cứu đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh; Tập đoàn TH, Công ty TNHH Đại toàn cầu xanh tìm hiểu môi trường xây dựng dự án nông nghiệp hữu cơ kết hợp du lịch nghỉ dưỡng... 

Có thể thấy, thời gian qua, tỉnh ta đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ nhằm không ngừng nâng cao chỉ số PCI, coi đây là nhiệm vụ chiến lược, là thước đo quan trọng để đánh giá chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền cấp tỉnh và mức độ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của địa phương qua từng năm. Để tiếp tục giữ vững vị trí trong bảng xếp hạng, tỉnh xác định còn nhiều việc phải làm và luôn coi PCI là công cụ để soi lại mình, tự đổi mới, bứt phá vươn lên đồng hành cùng doanh nghiệp. Và một trong những nhiệm vụ trọng tâm mang tính quyết định mà tỉnh đã thực hiện thành công đó là sự đổi mới tư duy, nhận thức từ quản lý doanh nghiệp sang phục vụ doanh nghiệp, coi doanh nghiệp là đối tác hợp tác bền vững lâu dài trong phát triển kinh tế của tỉnh.

Bài, ảnh: Trần Liên

 

bình luận

Tìm kiếm

Chịu trách nhiệm: Bà Đỗ Thị Thái Hà, Phó Giám đốc Sở

Trụ sở: Đường Trần Hưng Đạo, Phường Minh Xuân, Thành phố Tuyên Quang.

Điện thoại: (0207).3822.348 - Fax:02073.823.160 - Email: sokhdt@tuyenquang.gov.vn

Ghi rõ nguồn Trang thông tin điện tử Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Tuyên Quang (https://sokehoach.tuyenquang.gov.vn) khi trích dẫn lại thông tin từ địa chỉ này.

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang