Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh do UBND huyện Lâm Bình tổ chức
tháng 3-2018. Ảnh: Đỗ Hùng
Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 1.386 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký trên 13.809 tỷ đồng, bao gồm có 4 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Riêng trong quý I-2018, toàn tỉnh đã có 41 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với số vốn đăng ký trên 1.098 tỷ đồng.
Sau hơn một năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, tỉnh ta đã từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý giúp các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh đúng quy định; tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực, hoạt động khuyến công, tạo mặt bằng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ở vùng nông thôn phát triển. Điểm nổi bật là tỉnh đã tập trung cải thiện môi trường đầu tư, bảo đảm đối xử bình đẳng, công bằng giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong tiếp cận và thụ hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư.
Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh, mỗi năm từ nguồn Quỹ Khuyến công quốc gia và nguồn quỹ khuyến công địa phương, trung tâm ưu tiên hỗ trợ cho các doanh nghiệp tư nhân quy mô sản xuất vừa và nhỏ, siêu nhỏ đổi mới dây chuyền máy móc, thiết bị, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Như trong năm nay, tỉnh ta được hỗ trợ 900 triệu đồng xây dựng 2 đề án khuyến công. Qua rà soát, lựa chọn, trung tâm lựa chọn hỗ trợ 3 doanh nghiệp tư nhân là Công ty TNHH MTV Tam Cửu (TP Tuyên Quang) xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất bi nghiền trong cơ đúc khí; Công ty TNHH Chè Hoàng Hà (Yên Sơn) và Công ty TNHH Sản xuất và Xây dựng Phú Đức (Hàm Yên) xây dựng đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất chè đen xuất khẩu.
Bà Ứng Thu Huyền, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh cho rằng, nguồn quỹ hỗ trợ không nhiều nhưng đã phần nào giúp các doanh nghiệp có điều kiện được tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật mới. Nhiều doanh nghiệp, từ nguồn quỹ này có sản phẩm cạnh tranh trên thị trường như sản phẩm viên gỗ nén năng lượng của Công ty TNHH MTV Võ Thuận Phát, sản phẩm gạch block không nung của Công ty TNHH MTV Tiến Hằng hay sản phẩm thép cơ khí của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thép Linh Vũ...
Tỉnh cũng đã xây dựng và triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối doanh nghiệp theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị như: Tạo điều kiện cho Công ty cổ phần Giấy An Hòa xây dựng trung tâm giống bằng phương pháp cấy mô; Công ty giống vật tư nông nghiệp thực hiện dự án 2 cánh đồng lớn; làm cầu nối để Công ty cổ phần Woodsland liên kết với các công ty lâm nghiệp cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn quốc tế (FSC); hỗ trợ các đơn vị kinh doanh thủy sản tiếp cận quy định mới về an toàn thực phẩm... Đối với những doanh nghiệp còn khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, lãnh đạo tỉnh trực tiếp làm việc với doanh nghiệp và một số tỉnh lân cận, tìm giải pháp mở rộng thị trường tiêu thụ. Đơn cử như năm 2017, ngành Công thương tỉnh đã làm việc với Đoàn công tác của tỉnh Hà Giang về việc hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm xi măng của Công ty cổ phần Xi măng Tuyên Quang trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Bên cạnh việc hỗ trợ, tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Đề án sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của 5 Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp theo kế hoạch được duyệt; chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại Công ty cổ phần Cơ khí Tuyên Quang về Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước quản lý; thoái vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Chế biến Lâm sản Tuyên Quang.
Với sự vào cuộc kịp thời của lãnh đạo tỉnh, của các cấp, các ngành, hầu hết các doanh nghiệp hoạt động ổn định có tăng trưởng, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp với các cơ quan quản lý Nhà nước đang được nâng lên. Doanh nghiệp được tạo điều kiện bình đẳng trong việc tiếp cận nguồn lực, cơ hội, yên tâm sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, doanh nghiệp cũng không nên quá trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà cần phải nỗ lực tự thân. Vì vậy, cùng với việc hoàn thiện các chính sách, cơ chế sao cho cụ thể, hiệu quả nhất cần sự chủ động, nỗ lực, hợp tác của cả cộng đồng doanh nghiệp.
Bài, ảnh: Trần Liên