Theo đó, phạm vi quy hoạch là phần lãnh thổ tỉnh Tuyên Quang với tổng diện tích tự nhiên là 5.867,9 km2. Mục tiêu phấn đấu là đến năm 2020, Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá và bền vững của vùng Trung du và miền núi phía Bắc với lâm nghiệp, nông nghiệp ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại, năng suất lớn, chất lượng cao kết hợp với công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - lịch sử; là tỉnh hình mẫu về phát triển lâm nghiệp của cả nước, điển hình về giảm nghèo bền vững, tiến tới giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn, xóa bỏ sản xuất tự cung, tự cấp, nhỏ lẻ trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Nội dung Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang bao gồm: Phân tích, đánh giá và dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của tỉnh Tuyên Quang và thực trạng phát triển kinh tế - xã hội; Xây dựng quan điểm, xác định mục tiêu và lựa chọn các phương án phát triển, phương án quy hoạch, phương hướng phát triển các ngành quan trọng và phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; Các nội dung đề xuất nghiên cứu để phát huy tiềm năng, lợi thế, đặc thù của tỉnh.
Hệ thống các phương pháp lập Quy hoạch phải đảm bảo tính tiếp cận tổng hợp, đa chiều, đa lĩnh vực, khoa học, phù hợp, thực tiễn và ứng dụng công nghệ hiện đại.
UBND tỉnh Tuyên Quang có trách nhiệm căn cứ nội dung, nhiệm vụ được phê duyệt để tổ chức lập Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo phù hợp quy định của Luật Quy hoạch và các quy định hiện hành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình lập Quy hoạch, UBND tỉnh Tuyên Quang cần chủ động phối hợp, cập nhật thông tin với quy hoạch cấp cao hơn để điều chỉnh, bổ sung mục tiêu, nhiệm vụ phù hợp với yêu cầu thực tiễn, tính thống nhất, đồng bộ giữa các cấp quy hoạch theo quy định.
Theo TTXVN/Báo Tin tức