Cán bộ Công an hướng dẫn người dân sử dụng phần mềm VNeID.
Thời gian qua, tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng kế hoạch, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn nỗ lực thực hiện chuyển đổi số từ tỉnh đến cơ sở. Mặc dù là địa phương miền núi, có nhiều khó khăn về hạ tầng và nhân lực phục vụ công tác chuyển đổi số, nhưng nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, nhất là ở cấp xã ngày càng đổi thay tích cực và mang lại những hiệu quả rõ rệt.
Tổ công nghệ số cộng đồng bắt đầu được triển khai tại tỉnh Tuyên Quang từ năm 2022, nhằm hỗ trợ triển khai nền tảng số, công nghệ số, hướng dẫn kỹ năng số đến với người dân. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 1.871 Tổ công nghệ số cộng đồng, với 10.257 thành viên. Tỷ lệ tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã và cấp thôn trên địa bàn tỉnh đạt 100% và 100% các thành viên trong tổ đã được tuyên truyền, bồi dưỡng, tập huấn các kỹ năng số.
Anh Vũ Linh, ở tổ 3 phường Tân Hà, thành phố Tuyên Quang chia sẻ, nhờ Tổ công nghệ số của phường tuyên truyền, giải thích tận tình, hướng dẫn tỉ mỉ, anh Linh đã có thể sử dụng một số phần mềm công nghệ số cơ bản. Anh cũng hiểu hơn về tiện ích mà chuyển đổi số mang lại. Thực tế hiện nay, thay vì phải mang theo nhiều giấy tờ như trước kia, giờ đi khám chữa bệnh, anh chỉ cần mang điện thoại thông minh có cài đặt phần mềm VssID hoặc căn cước công dân là có thể thực hiện thăm khám chữa bệnh bình thường, các dịch vụ cũng rất tiện ích, nhanh chóng.
Năm 2023, Tổ công nghệ số cộng đồng phường Tân Hà, thành phố Tuyên Quang đã tổ chức trên 1000 lượt triển khai nhiệm vụ. Chị Phạm Kim Tuyết, Bí thư Đoàn phường Tân Hà, thành viên tổ công nghệ số cộng đồng phường Tân Hà chia sẻ, các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng thường xuyên đến các cụm dân cư hướng dẫn cài đặt Ứng dụng Chính quyền số Tuyên Quang (App ID Tuyên Quang); sử dụng dịch vụ công trực tuyến; sàn thương mại điện tử; thanh toán điện tử… hỗ trợ cài đặt và sử dụng ứng dụng định danh diện tử VneID, sử dụng dịch vụ công trực tuyến như: y tế, giáo dục, chính sách xã hội...
Thành viên tổ công nghệ số cộng đồng phường Tân Hà (TP. Tuyên Quang) hướng dẫn ứng dụng định danh điện tử VneID.
Bà Lê Thị Hồng Hà, tổ 7, phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang chia sẻ, gia đình kinh doanh cửa hàng ăn uống nên hàng ngày các giao dịch mua bán rất nhiều. Gần 1 năm nay, gia đình bà Hà tạo mã QR code thanh toán không dùng tiền mặt tại cửa hàng, giúp khách hàng thanh toán tiện lợi, dễ quản lý. Ngoài ra, bà Hà cũng thanh toán trực tuyến các khoản như tiền điện, nước. tiền mạng và các hóa đơn mua hàng, qua đó, giúp tiết kiệm được nhiều thời gian và tránh nhầm lẫn.
Năm 2022, xã Thái Bình, huyện Yên Sơn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, xã lựa chọn chuyển đổi số là khâu đột phá hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh. Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Chủ tịch UBND xã Thái Bình, huyện Yên Sơn cho biết: Hiện nay, tỷ lệ văn bản được xử lý trên môi trường mạng ở xã Thái Bình đạt 100%, việc giải quyết thủ tục hành chính mức độ 3, mức độ 4 đạt 100%. Bên cạnh đó, xã cũng chỉ đạo cán bộ, công chức xã đến từng hộ gia đình hướng dẫn người dân cách thức đăng ký, thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến. Thời gian tới xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân về lợi ích sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Đối với người dân không sử dụng điện thoại thông minh và người cao tuổi, cán bộ xã hỗ trợ lập tài khoản, nộp hồ sơ, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến qua Zalo, Facebook... Qua đó, từng bước nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn.
Cũng theo ông Triệu Ngọc Phúc, Chủ tịch UBND xã Minh Khương, huyện Hàm Yên, để người dân biết và thực hiện các thủ tục hành chính trên không gian mạng, cán bộ xã vừa tiếp nhận hồ sơ, giấy tờ bản giấy, vừa cầm tay chỉ việc, hướng dẫn cho người dân các thao tác trên điện thoại thông minh. Đồng thời, để khắc phục tình trạng trên, xã chỉ đạo cán bộ, công chức bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tăng cường tuyên truyền về lợi ích khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Mặt khác, hướng dẫn người dân lập tài khoản, thao tác gửi hồ sơ qua mạng, giúp người dân gỡ bỏ tâm lý ngại khó, quen với việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến giải quyết thủ tục hành chính. Đối với người dân không sử dụng điện thoại thông minh, người cao tuổi, cán bộ xã hỗ trợ tạo tài khoản cho người dân, nộp hồ sơ giúp người dân. Ngoài ra, xã cũng thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng để “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vừa khảo sát, vừa hướng dẫn các hộ dân trên địa bàn tham gia tìm hiểu chuyển đổi số, đặc biệt là hướng dẫn, hỗ trợ người dân cài đặt và kích hoạt định danh điện tử (VNeID).
Từ sự quan tâm của các cấp chính quyền và đồng hành của người dân, đến nay, 100% trung tâm xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã được phủ sóng băng rộng cáp quang; 100% Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị được kết nối Internet băng rộng cáp quang. Hiện nay, tỉnh Tuyên Quang đã cung cấp hơn 1.800 dịch vụ hành chính công trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh phục vụ người dân và doanh nghiệp. Trong đó, số dịch vụ công trực tuyến một phần là 703 dịch vụ, đạt 38,57%; dịch vụ công trực tuyến toàn trình là 1.120 dịch vụ, đạt 61,43%. Tỷ lệ thuê bao di động sử dụng điện thoại thông minh đạt khoảng 75%; tỷ lệ hộ gia đình có đường internet cáp quang băng rộng đạt khoảng 55%; tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt 84%...
Để quyết tâm gỡ những “điểm nghẽn” trong thực hiện chuyển đổi số từ cấp xã, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho rằng: Bên cạnh các giải pháp xây dựng và phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; ưu tiên các giải pháp chuyển đổi nhận thức và xây dựng các nền tảng dùng chung cho toàn tỉnh. Tập trung phát triển hạ tầng số, tiếp tục chuyển đổi mạnh mẽ các hoạt động quản lý nhà nước từ phương thức truyền thống sang ứng dụng công nghệ thông tin... Cùng với đó tỉnh Tuyên Quang đặc biệt quan tâm đến yếu tố nhân lực số, các huyện, thành phố xây dựng được mạng lưới chuyển đổi số đến tận cấp cơ sở với đội ngũ thành viên được thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng làm nòng cốt cho tiến trình chuyển đổi số trong các ngành, các cấp. UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện quan tâm bố trí, nâng cấp trang thiết bị cho bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã, đội ngũ công chức để phục vụ số hóa hồ sơ, tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ và kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; cung cấp dịch vụ công trực tuyến, chứng thực bản sao điện tử từ bản chính...
Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát để trang cấp bổ sung trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin; triển khai Trung tâm giám sát điều hành thông minh (IOC) vào hoạt động; nâng cấp và xây dựng bổ sung nền tảng chung tích hợp chia sẻ các hệ thống thông tin quy mô cấp tỉnh (LGSP). Các cấp, các ngành tăng cường tập huấn nghiệp vụ (về số hóa, dữ liệu, chữ ký số...) cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa các cấp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp chỉ cần cung cấp một lần thông tin cho cơ quan Nhà nước khi giải quyết thủ tục hành chính.
Với nỗ lực không ngừng và quyết tâm chính trị cao của các cấp, các ngành, công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh sẽ sớm đạt được các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra đến năm 2025.
Theo tuyenquang.gov.vn