Đại diện lãnh đạo Công ty Honda Linh Lực phát biểu tại Chương trình Cà phê doanh nhân tháng 4-2018.
Chương trình có nhiều chủ đề hữu ích được triển khai như “Xúc tiến đầu tư - Hội nhập phát triển”; “Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp nhằm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)”…
Ông Phạm Hồng Đăng, Phó Giám đốc Công ty TNHH 27-7 cho biết: Tại Chương trình, một số lĩnh vực về thuế, tài nguyên, thủ tục hành chính, ngân hàng... đã được các đồng chí lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các sở, ngành triển khai và giải đáp các vướng mắc với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều lĩnh vực, văn bản chính sách không thể một sớm một chiều có thể tháo gỡ nên doanh nghiệp cũng rất hiểu và chia sẻ với tỉnh. Mong rằng thời gian tới, các địa phương, các ban, ngành tỉnh tiếp tục minh bạch hóa các dự án đầu tư, chương trình đầu tư để các doanh nghiệp chủ động trong quá trình tham gia các gói thầu;...
Ba tháng đầu năm, toàn tỉnh thành lập 59 doanh nghiệp, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2017, nâng tổng số toàn tỉnh có 1.403 doanh nghiệp và phấn đấu đến hết năm 2020 có khoảng 2.000 doanh nghiệp. Do vậy, Chương trình Cà phê doanh nhân là nơi để lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành lắng nghe những khó khăn trong quá trình khởi nghiệp, để những doanh nghiệp này được thành lập và phát triển bền vững.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Giám đốc Công ty cổ phần Hồng Minh LANDLIGHT, xã Minh Thanh (Sơn Dương) chia sẻ: “Qua chương trình, nhiều doanh nghiệp mới thành lập như chúng tôi được động viên, khích lệ và chia sẻ những khó khăn trong quá trình hoạt động”.
Chương trình Cà phê doanh nhân nằm trong các giải pháp thực hiện Chương trình hành động cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh, thúc đẩy quá trình xúc tiến đầu tư và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Đồng hành cùng với chương trình từ những ngày đầu, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá: Đối với Tuyên Quang, đây là chương trình thành công, cùng với các giải pháp khác thì chương trình đã góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) qua từng năm. Quan hệ “đối tác” giữa chính quyền với doanh nghiệp của Tuyên Quang hiện đang rất chặt chẽ. Vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cũng được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao trong thời gian này khi tăng từ 20% vào năm 2014 tăng lên 65% năm 2017 về mức độ tin cậy.
Năm 2017, chỉ số PCI của tỉnh xếp thứ 39 trong cả nước tăng 6 bậc so với năm 2016, tăng 9 bậc so với năm 2015, trong đó các chỉ số thành phần tăng cao như gia nhập thị trường, tính năng động, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, thiết chế pháp lý, đào tạo lao động. Kết quả này là sự nỗ lực của tỉnh trong thực hiện các chính sách có lợi cho doanh nghiệp, tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Lãnh đạo tỉnh đã có nhiều buổi làm việc trực tiếp các tập đoàn lớn như: Vingroup, Dệt may Việt Nam, Mường Thanh... nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực thế mạnh của tỉnh. Đồng thời tỉnh cũng nâng cao chất lượng và khả năng cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho doanh nghiệp về điện, nước, viễn thông, tín dụng, ngân hàng… để doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp trong xác định, tiếp cận thị trường, xúc tiến đầu tư. Các sở, ngành và các huyện, thành phố nâng cao chỉ số DCI, tăng cường đồng thời đối thoại với các doanh nghiệp... Song song với đó, chương trình “Cà phê doanh nhân” đang là một “kênh” quan trọng giúp tỉnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Trong thời gian tới, chương trình “Cà phê doanh nhân” tập trung vào 4 chỉ số thành phần đang bị tụt điểm so với năm 2016 để cùng thảo luận tháo gỡ như tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng. Từ đó, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Bài, ảnh: Thùy Linh