Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp nhà nước

25/03/2022 - 16:40
104

Ngày 24/3/2022 diễn ra Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp nhà nước với chủ đề “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội" dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Cùng dự Hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Lê Văn Thành. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tham dự và có bài trình bày tại Hội nghị.

 

Hình ảnh tại điểm cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: MPI

Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố với sự tham gia của lãnh đạo các Bộ, ban ngành, các cơ quan và địa phương và đại diện lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, Doanh nghiệp nhà nước. Tham dự tại điểm cầu Trung tâm Điều hành Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Thứ trưởng Trần Duy Đông cùng đại diện lãnh đạo một số đơn vị liên quan thuộc Bộ.

Hội nghị nhằm giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước có những góc nhìn thẳng thắn, khách quan về các tồn tại, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư của các DNNN, từ đó xây dựng, ban hành các chính sách để tăng cường hiệu quả trong việc quản lý, khai thác các nguồn lực của DNNN.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị. Ảnh: MPI

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đến vai trò của DNNN, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, Nhà nước đối với loại hình doanh nghiệp này trong thời gian qua; trong thực hiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cộng đồng doanh nghiệp nói chung và DNNN nói riêng đã nỗ lực, vượt qua khó khăn, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Đề án tái cơ cấu nền kinh tế tập trung vào ba lĩnh vực trọng tâm, trong đó tái cơ cấu doanh nghiệp tập trung vào DNNN. Chủ trương đã được xác định rất rõ và trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, DNNN luôn đồng hành, giữ vững vai trò là lực lượng quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, DNNN vẫn chưa thể hiện tốt vai trò của mình, chưa phát huy được lợi thế nắm giữ nguồn lực.

Để thúc đẩy DNNN phát triển bền vững, phát huy được thế mạnh, tiềm năng của mình, thực sự là lực lượng quan trọng, cần nhận diện rõ các điểm nghẽn, tồn tại, hạn chế, từ đó đưa ra định hướng, giải pháp để nâng cao hiệu quả, huy động nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, Thủ tướng đã gợi mở một số vấn đề để Hội nghị tập trung thảo luận làm rõ, như: vì sao DNNN chưa thể hiện vai trò nổi bật trong việc dẫn dắt, mở đường, hướng dẫn các doanh nghiệp khác, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp còn thấp so với nguồn lực, nguyên nhân do cơ chế, do tổ chức hay do con người; vai trò quản lý nhà nước, những vấn đề vướng mắc cần tháo gỡ; tại sao cổ phần hóa chưa đạt mục tiêu; xác định quyền sử dụng đất, giá trị thương hiệu, vì sao chưa đạt yêu cầu; tại sao công tác quản trị doanh nghiệp chậm được đổi mới; việc thực hiện các cam kết quốc tế, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, những cam kết về biến đổi môi trường, khí hậu… tác động đến năng lực cạnh tranh và sự phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và DNNN nói riêng.

DNNN có vai trò, vị trí quan trọng trong nền kinh tế

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI

Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh quan trọng, đặc biệt là đang triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; nhằm giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước có những góc nhìn thẳng thắn, khách quan về các tồn tại, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư của các DNNN, từ đó xây dựng, ban hành các chính sách để tăng cường hiệu quả trong việc quản lý, khai thác các nguồn lực của DNNN.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Nghị Quyết số 12-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 5, Ban chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước đã đưa ra quan điểm chỉ đạo: “DNNN là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội”.

Trong 5 năm qua, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành khá đầy đủ, đồng bộ các cơ chế, chính sách điều chỉnh hoạt động của DNNN, tạo khung khổ pháp lý để các DNNN tổ chức triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh và đã đạt được một số kết quả quan trọng như DNNN đang nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao; tạo nguồn doanh thu và thu ngân sách đáng kể cho ngân sách nhà nước; đóng vai trò chi phối trên trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; xây dựng, phát triển hạ tầng và cung cấp dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin; hạ tầng giao thông và sản xuất, cung ứng một số nguyên vật liệu đầu vào cơ bản cho nền kinh tế.

DNNN có vai trò lớn trong sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích; đóng góp quan trọng trong xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng cần thiết cho phát triển kinh tế - xã hội. Nguồn vốn đầu tư của khối DNNN đã đóng góp đáng kể trong tổng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước vào phát triển kinh tế - xã hội.

DNNN có vai trò, vị trí quan trọng trong nền kinh tế. Hoạt động của các DNNN, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty có ảnh hưởng lớn đến phát triển một số ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Hoạt động đầu tư của DNNN trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn then chốt, quan trọng của nền kinh tế đã giúp giảm bớt gánh nặng từ ngân sách nhà nước trong thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng quan trọng của đất nước; góp phần thực hiện tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của khối DNNN trong thời gian qua vẫn chưa đạt như kỳ vọng, cần phải được khắc phục. DNNN hiện vẫn còn nhiều dư địa, tiềm năng chưa được khai thác hiệu quả. Các tập đoàn, tổng công ty về cơ bản chưa thực hiện được vai trò dẫn dắt, tạo động lực đối với nền kinh tế; hiệu quả hoạt động của DNNN chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ.

Năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của các DNNN quy mô lớn vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước. Việc thực hiện các dự án đầu tư mới của DNNN trong thời gian qua không được thúc đẩy. Việc tái cơ cấu toàn diện DNNN vẫn mang tính hình thức. Quá trình cơ cấu lại DNNN mới chủ yếu tập trung sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn để có cơ cấu hợp lý hơn.

Vai trò, vị trí và sứ mệnh của DNNN được xác định là hết sức lớn và đầy thách thức

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ rõ, qua theo dõi, nghiên cứu thực tiễn hoạt động của DNNN trong thời gian qua cho thấy có những tồn tại, hạn chế và bài học kinh nghiệm rút ra trong thực hiện đổi mới, nâng cao hiệu quả DNNN giai đoạn 2016-2021. Thứ nhất, vai trò, vị trí và sứ mệnh của DNNN được xác định là hết sức lớn và đầy thách thức, nhưng quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của DNNN nói chung và người lao động trong DNNN nói riêng không tương xứng; DNNN không được tự chủ và chỉ đạo thực hiện vai trò, sứ mệnh của mình; người lao động, nhất là lao động quản lý không được khuyến khích đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, nỗ lực phát huy tối đa năng lực của mình cho sự phát triển chung của doanh nghiệp.

Thứ hai, để phát triển đất nước nhanh và bền vững, cần phải huy động và tập trung được nguồn lực tại DNNN cho đầu tư phát triển, nhất là đầu tư phát triển hạ tầng, phát triển và nắm bắt công nghệ cốt lõi, phát triển các ngành, nghề và sản phẩm mới phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.

Thứ ba, trong quản lý nhà nước, phải coi DNNN là doanh nghiệp có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ như các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế; hoạt động theo nguyên tắc thị trường. Vì vậy, DNNN phải được trao đầy đủ quyền tự chủ kinh doanh như các doanh nghiệp khác trên cơ sở định hướng phát triển, nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể được giao bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thứ tư, phải lựa chọn, bổ nhiệm đội ngũ quản lý DNNN có trình độ, kinh nghiệm quản lý đẳng cấp khu vực và toàn cầu; đồng thời, có chế độ tiền lương và lợi ích khác tương ứng với năng lực và kết quả quản trị, điều hành hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; có thể chế tạo điều kiện thuận lợi để họ làm việc, phát huy hết kiến thức, kinh nghiệm và tài năng cho phát triển DNNN; có cơ chế về tiền lương, tiền thưởng hợp lý cho người lao động, tạo động lực vật chất và tinh thần thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ảnh: MPI

Thúc đẩy, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN

Nhằm phát huy được lợi thế, khắc phục hạn chế, tận dụng cơ hội phát triển, hiện thực hóa vai trò, vị trí của DNNN trong nền kinh tế, trọng tâm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đưa ra các nhóm giải pháp cụ thể. Một là, cần có giải pháp cụ thể phát huy lợi thế, huy động và khai thác có hiệu nguồn lực mà DNNN đang quản lý và sử dụng. Nghiên cứu, xây dựng hệ thống cơ chế vừa nâng cao hiệu lực, hiệu quả quyền của chủ sở hữu; vừa tạo điều kiện cho DNNN, đặc biệt là DNNN quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt trong các ngành kinh tế chủ lực, có đầy đủ quyền tự chủ, được hoạt động và cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp khác.

Hai là, cần gắn phát triển DNNN với thực hiện chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Xác định rõ ngành, lĩnh vực then chốt cần có sự hiện diện của DNNN phù hợp với định hướng phát triển bền vững của đất nước (như năng lượng tái tạo, công nghiệp công nghệ cao, kết cấu hạ tầng quan trọng của quốc gia…). Khuyến khích các DNNN chuyển đổi mô hình phát triển hướng tới sử dụng năng lượng sạch, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, bao trùm và nhân văn theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị Cop 26.

Ba là, cần thay đổi nhận thức, quan điểm về cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư nhà nước tại doanh nghiệp. Mục tiêu của cổ phần hóa, thoái vốn không phải là rút vốn nhà nước ra khỏi DNNN, thu hẹp phạm vi, quy mô của khu vực DNNN, mà tái cơ cấu lại danh mục đầu tư, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và giá trị đầu tư của nhà nước tại doanh nghiệp nói chung và của từng DNNN nói riêng.

Bốn là, xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia đồng bộ về DNNN, tài sản nhà nước để đánh giá, theo dõi và giám sát; qua đó, có định hướng phù hợp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DNNN. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý thông tin về doanh nghiệp nhà nước trên nguyên tắc đo lường được, khách quan, kịp thời và minh bạch nhằm tăng cường giám sát hoạt động của DNNN tức thời, phát hiện sớm các rủi ro, ngăn ngừa sai phạm, thất thoát, lãng phí.

Năm là, các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cần phải thay đổi cách thức làm việc, chủ động thực hiện đầy đủ và hiệu lực các quyền chủ sở hữu tại doanh nghiệp theo quy định pháp luật và thông lệ quốc tế; không can thiệp vào quá trình điều hành, quản trị kinh doanh tại doanh nghiệp.

Sáu là, hoàn thiện công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước thông qua việc phân công một Bộ làm đầu mối quản lý nhà nước thực hiện giám sát hoạt động của cơ quan đại diện chủ sở hữu, xây dựng định hướng phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.

Bảy là, xây dựng cơ chế giám sát và nâng cao hiệu quả giám sát hơn theo các phương thức: Đánh giá hiệu quả hoạt động/đầu tư theo chỉ tiêu tài chính tổng thể, không đi theo từng dự án/hoạt động cụ thể; Nâng cao trách nhiệm giải trình của DNNN trước cơ quan đại diện chủ sở hữu, Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp. Tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong thực hiện giám sát hoạt động của DNNN để đảm bảo hiệu quả trong việc phát hiện sớm các sai phạm, cảnh báo các nguy cơ làm DNNN bị thua lỗ, mất vốn nhà nước.

Tám là, nghiên cứu cơ chế, chính sách tiền lương gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là đối với quản lý cấp cao của doanh nghiệp. Đổi mới công tác quản lý cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp cao để tuyển dụng hoặc thuê cán bộ chất lượng cao, có thể xem xét cả các Tổng giám đốc nước ngoài thí điểm tại một số Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty.

Khu vực DNNN luôn có một ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của đất nước trong từng giai đoạn, từng kỳ Đại hội Đảng. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tin tưởng, sau Hội nghị này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ có những quyết sách quan trọng, căn cơ để có thể “cởi trói”, tạo động lực mạnh mẽ, khơi thông nguồn lực để DNNN có thể đóng góp nhiều hơn nữa đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới./.

                                                                                                                                          Theo mpi.gov.vn

bình luận

Tìm kiếm

Chịu trách nhiệm: Bà Đỗ Thị Thái Hà, Phó Giám đốc Sở

Trụ sở: Đường Trần Hưng Đạo, Phường Minh Xuân, Thành phố Tuyên Quang.

Điện thoại: (0207).3822.348 - Fax:02073.823.160 - Email: sokhdt@tuyenquang.gov.vn

Ghi rõ nguồn Trang thông tin điện tử Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Tuyên Quang (https://sokehoach.tuyenquang.gov.vn) khi trích dẫn lại thông tin từ địa chỉ này.

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang