Với phương châm: "nhận thức" là quyết định, "người dân, doanh nghiệp" là trung tâm, "thể chế và công nghệ số” là động lực, "nền tảng số” là đột phá, "an toàn, an ninh thông tin" là then chốt, "chính quyền" là tiên phong, UBND huyện đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo về chuyển đổi số đảm bảo tính khả thi, sát với đặc điểm, tình hình và nhu cầu phát triển của huyện. Đồng thời, thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số huyện, tổ giúp việc cho Ban chỉ đạo, ban hành quy chế hoạt động và chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thành lập các Tổ công nghệ số cộng đồng. Kết quả, toàn huyện đã thành lập được 283 Tổ công nghệ số cộng đồng ở 100% thôn, tổ dân phố trên địa bàn, với 1.500 thành viên tham gia. UBND cấp xã đã thành lập nhóm quản lý, điều hành và hỗ trợ hoạt động Tổ công nghệ số cộng đồng tại địa phương.
Bên cạnh đó, UBND huyện đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chuyển đổi số bằng nhiều hình thức như: Tổ chức các lớp tập huấn, các hội nghị trực tiếp, trực tuyến; đẩy mạnh tuyên truyền trên trang thông tin điện tử, trên hệ thống phát thanh, truyền thanh từ huyện đến các xã, thị trấn; trên các nền tảng mạng xã hội…
Đồng chí Đỗ Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên cho biết: Để hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra, Hàm Yên đang nỗ lực tập trung thực hiện có trọng tâm, trọng điểm công tác cải cách hành chính; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; tăng cường truyền thông chính sách gắn với những vấn đề người dân và doanh nghiệp quan tâm, đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động của bộ phận "một cửa”… Trong đó, một trong những giải pháp quan trọng mà UBND tập trung chỉ đạo đó là huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đề cao vai trò lãnh đạo của người đứng đầu các xã, thị trấn.
Công an xã Tân Thành (Hàm Yên) hướng dẫn người dân trải nghiệm những
tiện ích từ các mô hình điểm của Đề án 06.
Nhờ đó, công tác chuyển đổi số của Hàm Yên đã chuyển biến tích cực. Trong tháng 10/2023, Bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công huyện Hàm Yên đạt 68,06%, đứng vị trí thứ nhất trong các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Các chỉ tiêu cụ thể như: công khai minh bạch đạt 100%, tiến độ giải quyết hồ sơ đạt 98,6%, dịch vụ công trực tuyến đạt 95,6%, thanh toán trực tuyến đạt 47,59%; mức độ hài lòng đạt 99,9%; số hóa hồ sơ đạt 76,4%.
Tính riêng trong tháng 10/2023, số lượng hồ sơ tiếp nhận và giải quyết trực tuyến của UBND cấp huyện tăng 1.740 hồ sơ, cao gấp gần 8 lần so với tháng trước. Tổng số tài khoản định danh điện tử đã được kích hoạt thành công 74.631 tài khoản, đạt 73,35% tổng số công dân đủ điều kiện kích hoạt trên địa bàn huyện, tăng 0,59% so với tháng trước, trong đó tài khoản được kích hoạt định danh điện tử mức độ 2 là 36.456 tài khoản.
Hàm Yên thực hiện chuyển đổi số trên cả ba trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó huyện tập trung thúc đẩy thực hiện xây dựng chính quyền số để tạo đà và định hướng, dẫn dắt, quản lý, hỗ trợ kinh tế số và xã hội số phát triển. Với chính quyền số, huyện đã tạo điều kiện cải thiện hạ tầng số của các đơn vị, hệ thống mạng internet đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt, ổn định và an toàn giúp cán bộ giải quyết công việc nhanh chóng, hiệu quả.
Hiện 100% cán bộ, công chức được cấp chữ ký số và sử dụng thường xuyên; 100% văn bản đi, đến được xử lý, luân chuyển theo đúng quy định, không còn tình trạng tồn văn bản chưa được xử lý; 100% hồ sơ và thủ tục hành chính cấp xã được tiếp nhận và giải quyết trên hệ thống một cửa điện tử theo đúng quy trình (cán bộ tiếp nhận - lãnh đạo ký duyệt - văn thư đóng dấu - trả kết quả), qua đó giảm tình trạng chậm trễ hồ sơ của tổ chức và công dân.
Trong phát triển kinh tế số, hiện nay nhiều địa phương đã phối hợp với Bưu điện tỉnh triển khai hỗ trợ, hướng dẫn cho người dân tham gia sàn thương mại điện tử, triển khai chợ 4.0, tham gia các nhóm bán hàng trên mạng xã hội Zalo, Facebook, từ đó từng bước thay đổi nhận thức về cách thức bán hàng, xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho sản phẩm. Một số sản phẩm đặc trưng của huyện như: Cam sành, vịt bầu Minh Hương, thanh long Yên Phú… được đưa lên sàn thương mại điện tử đã giúp nông sản địa phương có thêm cơ hội tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ cũng như quảng bá sản phẩm, thương hiệu của mình đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Với mục tiêu lấy người dân là trung tâm, là chủ thể và là động lực tạo đột phá của sự phát triển, việc thực hiện xã hội số tiếp tục được huyện triển khai toàn diện, kiên trì, tạo sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực từ mỗi người dân. Các dịch vụ thanh toán điện tử không dùng tiền mặt được triển khai rộng rãi; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong các lĩnh vực: Y tế, giáo dục - đào tạo, đảm bảo an ninh, trật tự…
Những kết quả đã đạt được trong công tác chuyển đổi số tại huyện Hàm Yên là minh chứng cho sự quan tâm của chính quyền địa phương cũng như sự tham gia tích cực của người dân và doanh nghiệp. Đây cũng là động lực để Hàm Yên tiếp tục phấn đấu và hoàn thiện hơn nữa trong công tác chuyển đổi số. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện đạt các mục tiêu Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Trong đó tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác chuyển đổi số với 3 trụ cột chính là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số đúng theo lộ trình, kế hoạch của UBND tỉnh đã đề ra; tiếp tục chỉ đạo thực hiện, nhân rộng mô hình thanh toán không dùng tiền mặt; hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ thanh toán bằng ví điện tử; tuyên truyền thực hiện tiếp nhận và trả hồ sơ hành chính qua dịch vụ công trực tuyến, hỗ trợ người dân tạo tài khoản dịch vụ công trực tuyến; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp viễn thông đầu tư, triển khai các dịch vụ mà người dân là người trực tiếp hưởng lợi.
Ngoài ra, tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, phòng, ban, ngành huyện và địa phương khai thác, ứng dụng hiệu quả các dữ liệu, các phần mềm dùng chung; tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức nhằm đáp ứng nâng cao trình độ chuyên môn phục vụ tốt trong công tác chuyển đổi số.
Theo tuyenquang.gov.vn