Một buổi hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp do Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp,
Bộ Tư pháp và Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh tổ chức tháng 8-2018.
Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh, việc không ngừng cải thiện chỉ số PCI của tỉnh đã tạo được sức hút đối với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong cả nước đến tìm hiểu môi trường đầu tư kinh doanh. Trong năm nay, ngoài những tập đoàn lớn đã đầu tư tại tỉnh như Vingroup, Mường Thanh, đã có thêm nhiều tập đoàn như Sungroup, FLC, APEC… đến tìm hiểu các điều kiện đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, bất động sản, du lịch trên địa bàn tỉnh. Đây được coi là thành công bước đầu trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư vào tỉnh.
Ông Đỗ Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh cho biết, sau chương trình Cà phê doanh nhân quý II-2018, Ban Chỉ đạo PCI của tỉnh đã xác định sẽ tập trung khắc phục những chỉ số thấp điểm liên quan đến các sở, ngành, đặc biệt là những sở, ngành có liên hệ trực tiếp tới hoạt động của các doanh nghiệp. Nhiều sở, ngành, từ các hội nghị trao đổi, đối thoại với người dân và doanh nghiệp, đã bắt tay ngay vào việc cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Sau hội nghị trao đổi, đối thoại với các tổ chức, cá nhân về cải cách hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải, cuối tháng 7-2018, Sở Giao thông vận tải đã ra thông báo công khai cắt giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính. Theo đó, từ ngày 1-8, cắt giảm thời gian giải quyết theo quy định đối với các thủ tục thuộc các lĩnh vực: Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông; quản lý vận tải, phương tiện và người lái; quản lý chất lượng công trình giao thông; an toàn giao thông và đăng kiểm phương tiện giao thông vận tải. Đồng thời, ngành cũng bổ sung 20 thủ tục thực hiện tại bộ phận “một cửa” và trực tiếp tại Trung tâm đăng kiểm phương tiện giao thông vận tải, trong đó 17 thủ tục tại bộ phận một cửa và 3 thủ tục tại Trung tâm đăng kiểm.
Mặc dù không phải là địa phương có số lượng doanh nghiệp đông đảo, với gần 30 doanh nghiệp và 49 hợp tác xã, nhưng Lâm Bình là huyện đầu tiên của tỉnh thành lập tổ hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã lập và triển khai dự án phát triển kinh tế trên địa bàn huyện. Ông Vi Văn Chung, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Lâm Bình - Tổ trưởng tổ hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã huyện cho biết: Nhiệm vụ của tổ là hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh áp dụng, vận dụng các cơ chế, chính sách của trung ương, của tỉnh để lập dự án đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh lập dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Từ trước khi thành lập, Lâm Bình đã thường xuyên tổ chức các cuộc làm việc, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã về các khâu như hạch toán kinh doanh, các vấn đề pháp lý liên quan đến giấy tờ, thủ tục thành lập, đăng ký xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu… theo hình thức “cầm tay chỉ việc”. Các thủ tục, giấy tờ liên quan đến doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ sẽ gửi trực tiếp thông tin đến email của các đơn vị, đồng thời đăng tải trực tiếp lên Cổng thông tin điện tử của huyện.
Theo ông Đỗ Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh, tới đây, Ban Chỉ đạo PCI sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát việc cải cách thủ tục hành chính, đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp tại các sở, ngành, địa phương. Đồng thời, xây dựng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp với những việc làm cụ thể. Trong đó, tháng 9 này, trung tâm phối hợp với báo Diễn đàn doanh nghiệp làm việc với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, các sở, ngành, khảo sát, thu thập thông tin về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh; làm việc với Ban pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về chủ đề đồng hành, giúp đỡ doanh nghiệp trong năm nay. Trước đó, Ban Chỉ đạo PCI đã thành lập đoàn học tập kinh nghiệm tại một số tỉnh, thành phố có dư địa cải cách PCI tốt, hiệu quả như Đồng Tháp, Cần Thơ và tới đây là tỉnh Quảng Ninh…
Bài, ảnh: Trần Liên