Ngày 12/4/2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 55/KH-UBND về Thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (Khoá XVII) về chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Kế hoạch)
Kế hoạch ban hành nhằm thúc đẩy mạnh mẽ các ứng dụng công nghệ để tạo nền tảng, cơ sở cho hoàn thiện Chính quyền điện tử hướng đến Chính quyền số, phát triển dịch vụ đô thị thông minh, kinh tế số và xã hội số. Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông thành hạ tầng số thống nhất, ổn định, linh hoạt; phát triển ứng dụng, dịch vụ mới theo hướng dùng chung hạ tầng số, nền tảng số đảm bảo khả năng sử dụng dữ liệu số và các công cụ phân tích thông minh để kịp thời đưa ra các quyết sách chính xác trong hoạt động quản lý nhà nước; phát triển kinh tế số, cung cấp các dịch vụ số phục vụ người dân và doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu đổi mới, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng của tỉnh. Cụ thể hóa việc tổ chức triển khai, thực hiện hiệu quả, đạt mục tiêu Nghị quyết số 48-NQ/TU ngày 15/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; làm căn cứ, cơ sở để các sở, ban, ngành, địa phương; Ủy ban Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai thực hiện chuyển đổi số tại cơ quan, đơn vị, tổ chức và địa phương mình. Duy trì và từng bước nâng thứ hạng của tỉnh trên bảng xếp hạng chỉ số chuyển đổi số (DTI); phấn đấu đến năm 2025 Tuyên Quang là một trong những tỉnh xếp hạng khá, đến năm 2030 là tỉnh nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực miền núi phía Bắc.
Người dân thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Tuyên Quang.
Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2025 của Kế hoạch là: Xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động; Phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; Phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số. Phấn đấu đạt được một số chỉ tiêu, như: 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và được cung cấp, sử dụng trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 100% các sở, ban, ngành, huyện, thành phố tham gia mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; 100% cơ quan Nhà nước cấp tỉnh có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung; 100% cơ sở dữ liệu dùng chung và 80% cơ sở dữ liệu chuyên ngành được kết nối, chia sẻ trên toàn tỉnh, thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP); 100% các hệ thống dùng chung và chuyên ngành đều được xác thực tập trung (SSO); 100% hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan Nhà nước được thực hiện trên nền tảng quản trị tổng thể, thống nhất; 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan Nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử, được ký số bởi chữ ký số chuyên dùng (trừ văn bản mật theo quy định); Kinh tế số chiếm 20% GRDP (Tổng sản phẩm trên địa bàn); năng suất lao động tăng bình quân từ 7%/năm; 100% người dân có danh tính số kèm theo mã QR code, có hồ sơ số về sức khỏe cá nhân; 100% hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng các nền tảng công nghệ số phục vụ sản xuất, kinh doanh, gửi, nhận hóa đơn điện tử với cơ quan thuế sử dụng nền tảng công nghệ số; Phấn đấu triển khai hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ đến 100% thôn, bản và trên 80% hộ gia đình; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G và điện thoại di động thông minh, từng bước phát triển mạng 5G. Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử đạt trên 50%; … Phấn đấu đến năm 2030, 100% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng phân tích, khai thác dữ liệu và công nghệ số; Phấn đấu kinh tế số chiếm 30% GRDP (Tổng sản phẩm trên địa bàn); Năng suất lao động tăng bình quân từ 8%/năm;...
Để đạt được các mục tiêu trên, Kế hoạch đã đưa ra 109 nhiệm vụ thực hiện, trong đó: 04 nhiệm vụ về Chuyển đổi nhận thức, 17 nhiệm vụ về ban hành Cơ chế chính sách, 13 nhiệm vụ về Phát triển hạ tầng số, 32 nhiệm vụ về Phát triển ứng dụng, nền tảng số; 40 nhiệm vụ về Tạo lập cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ cho chính điện tử, chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số; 03 nhiệm vụ về Đảm bảo an toàn, an ninh mạng.
Uỷ ban nhân dân tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, chủ trì tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch, theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, tổng hợp tình hình triển khai các nhiệm vụ, chương trình, dự án của các ngành, địa phương, định kỳ 6 tháng và hàng năm (trước ngày 15/12) báo cáo Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch.
Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (Khoá XVII) về Chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 sẽ là cơ sở để tỉnh Tuyên Quang triển khai thành công các nhiệm vụ về Chuyển đổi số, từng bước cải thiện xếp hạng chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh trong những năm tiếp theo.
Theo tuyenquang.gov.vn
Đang Online: 6
Tổng số truy cập: 907.487